Đánh Thức Đam Mê: Làm Thế Nào Để Tạo Ra Con Người Phi Thường Trong Bạn

Tác giả: Naomi Simson
Thời lượng khoảng 9 tiếng
Đánh Thức Đam Mê: Làm Thế Nào Để Tạo Ra Con Người Phi Thường Trong Bạn
36,315lượt nghe,2,250người đang nghe
Sách nói: Đánh Thức Đam Mê: Làm Thế Nào Để Tạo Ra Con Người Phi Thường Trong Bạn

Anthony Robbins là Nhà tư tưởng hàng đầu của Mỹ. Một doanh nhân thành đạt. Tác giả nhiều sách bán chạy nhất. Từng là cố vấn cho những chuyên viên quản trị của các công ty lớn trên thế giới.
Tác phẩm đã nêu hàng loạt công cụ hữu ích làm giàu thêm chất lượng cuộc sống. Đây là một quyển cẩm nang mà ta có thể tham khảo bất cứ lúc nào cuộc sống đặt ra những thách thức mới, hoặc đòi hỏi ta phải thay đổi.

PHẦN I – GIẢI PHÓNG SỨC MẠNH BẢN THÂN

Chương 1 – Ước mơ cuộc đời

Chúng ta, ai cũng ước mơ, với nhiều người, vì vòng quay đều đặn và tẻ nhạt của cuộc sống hàng ngày làm giấc mơ của họ trở nên mờ mịt. Điều gì làm nên sự khác biệt trong chất lượng cuộc sống của con người? Chấp nhận một cuộc “sống mòn” hay “tập trung sức mạnh” vào một lĩnh vực cụ thể một cách bền bĩ để khía cạnh đó trở nên vượt trội hơn?

Ba bước cơ bản bạn có thể áp dụng ngay để thay đổi cuộc đời mình:

Bước 1: Nâng tầm bản thân. Nâng cao chuẩn mực đặt ra cho bản thân, tức thay đổi những gì mình đòi hỏi chính mình phải đạt được.  

Bước 2: Thay đổi niềm tin hạn hẹp về bản thân. Đây là nguồn lực mạnh mẽ nhất, vì niềm tin giúp ta tiếp cận những năng lực tiềm ẩn của ta để từ đó ta dám đương đầu với những thử thách.

Bước 3: Thay đổi chiến lược. Bạn phải hành động và tuân thủ những gì đã hoạch định, tức phải làm chủ những thứ thường ảnh hưởng đến chúng ta nhiều nhất. Như:

  • Làm chủ cảm xúc: Đừng để ngoại cảnh chi phối những cảm xúc của mình mà ta phải kiểm soát nó.
  • Làm chủ cơ thể: Kiểm soát sức khỏe thể chất, đừng để răng miệng tự đào huyệt cho chính mình.
  • Tạo dựng và duy trì các mối quan hệ: Tạo mối quan hệ sâu sắc từ gia đình đến xã hội bạn sẽ được tưởng thưởng bằng cảm giác được chia sẻ, được đóng góp, tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của người khác.
  • Quản lý tài chính: Hãy thay đổi quan niệm và thái độ về sự giàu có, xem tiền bạc như là một phương tiện chứ không phải là mục tiêu tối thượng để có hạnh phúc.
  • Làm chủ thời gian: Đưa ra quyết định đúng đắn, chế ngự ham muốn hưởng thụ tức thời để cho phép những ý tưởng, sự sáng tạo, kể cả các tiềm năng đạt đến mức tối đa. Phác những bước đi cần thiết, sẵn sàng hành động nhưng cũng phải kiên nhẫn trước những khoảng dừng.
Chương 2 – Những quyết định tạo nên sức mạnh

Cách thức hiệu quả nhất để tự quyết định đời mình là chúng ta phải hành động. Vận mệnh được hình thành ngay trong lúc chúng ta đưa ra quyết định, quyết định ta sẽ sống thế nào trong tương lai. Bạn phải đặt ra những chuẩn mực cho hành vi của bản thân, hành động dựa trên những chuẩn mực đó dù có gặp phải bất cứ trở ngại nào.

Bạn phải xác định điều bạn mong muốn rồi hành động, theo đó nhận ra điều gì hiệu quả hoặc không hiệu quả; rồi thay đổi cách tiếp cận cho đến khi đạt được điều mình muốn.

Có ba quyết định chi phối vận mệnh của bạn là:

  1. Xác định những điều cần quan tâm.
  2. Xác định những điều có ý nghĩa quan trọng đối với bạn và
  3. Xác định bạn sẽ làm gì để tạo ra kết quả như mong muốn.
Phải vượt qua nỗi sợ rằng mình sẽ đưa ra quyết định sai lầm, bằng cách bạn phải nhận thức rằng, thành công thực ra là kết quả của việc phán đoán tốt; phán đoán tốt là kết quả của kinh nghiệm và kinh nghiệm thường là kết quả của những phán đoán sai lầm. Kinh nghiệm cá nhân quả là quan trọng, nhưng học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước cũng sẽ rất quí giá, giúp ta tránh vấp ngã. Hãy nhớ rằng, cuộc đời này chẳng tồn tại điều gì gọi là “thất bại” chỉ có các kết quả mà thôi.

Bí quyết giúp bạn nhanh chóng khai thác sức mạnh của quyết định:

  1. Ghi nhớ sức mạnh thực sự của quyết định.
  2. Đưa ra cam kết rõ ràng.
  3. Thường xuyên ra quyết định.
  4. Rút kinh nghiệm từ lần quyết định trước.
  5. Kiên trì thực hiện các quyết định, nhưng linh hoạt trong cách tiếp cận.
  6. Tận hưởng niềm vui được đưa ra quyết định.
Chương 3: Sức mạnh định hình cuộc đời

Điều gì đã tạo nên một tên tội phạm hay một người hào hiệp vì cộng đồng? Điều gì tạo nên sự khác biệt trong cách hành xử của con người?

Đó chính là niềm vui và nỗi đau.

Hiểu và tận dụng được động lực sướng – khổ sẽ cho phép bạn tạo ra những thay đổi bền vững cho bản thân và những người bạn quan tâm.

Con người sẽ hành động quyết liệt, dứt khoát hơn nếu lúc đó ta hành dung sự thay đổi sẽ tạo ra vô vàn niềm vui cho cuộc sống của mình.

Nếu bạn buồn khổ vì những điều thuộc ngoại cảnh thì không phải do ngoại cảnh mà chính những nhân định của bạn về ngoại cảnh đã gây ra cảm xúc đó, và bạn hoàn toàn có khả năng thay đổi cách đánh giá của bạn bất cứ lúc nào. Chỉ có con người mới có khả năng thay đổi cách liên tưởng của mình để biến khổ đau thành niềm vui hoặc ngược lại. Khi bạn liên tưởng sự sướng – khổ với những gì thì chính những điều đó sẽ hình thành nên số phận của bạn.

Mẹ Teresa có lòng từ ái, thấy người khác khổ bà cũng khổ theo, nên, bà bị thôi thúc mạnh mẽ bởi ý niệm cứu vớt người khác thoát khỏi nỗi bất hạnh cũng chính là giúp vơi nhẹ nỗi khổ của bản thân bà và bà cảm thấy vui sướng, hạnh phúc.

Trước mỗi hành động, bạn nên đặt những câu hỏi: Tại sao tôi đã không hành động? Trong quá khứ, tôi đã cam kết việc thực hiện hành động này với nỗi đau nào? Tôi phải trả giá như thế nào nếu không thay đổi hành động này? Niềm vui có được khi thực hiện những thay đổi ngay lúc này?

Chương 4: Niềm tin – Sức mạnh sáng tạo và Sức mạnh hủy hoại

Bạn hãy biết rằng, không do môi trường, không do tình huống trong cuộc sống, mà do ý nghĩa chúng ta gắn liền với những sự kiện, hay cách chúng ta diễn dịch chúng mới là điều hình thành nên con người chúng ta hôm nay và mai sau. Hay nói cách khác, đó chính là niềm tin của ta về ý nghĩa của những sự kiện đó đã làm công việc này.

Mọi việc ta làm đều xuất phát từ niềm tin. Niềm tin là một mệnh lệnh không thể chối từ đối với hệ thần kinh. Niềm tin không chỉ ảnh hưởng đến cảm xúc hay hành động, nó còn có thể biến đổi cả thể chất của chúng ta trong một chứng mực nào đó. Niềm tin là điều tạo nên sự khác biệt của những kiếp người.

Vậy niềm tin là gì?

Đó là cảm xúc chắc chắn về một điều gì đó.

Mỗi niềm tin đều có xuất phát điểm từ một ý niệm. Những tham chiếu hoặc những kinh nghiệm từ cuộc sống giúp cho ý niệm có cơ sở trở thành niềm tin chắc chắn.

Làm thế nào để chuyển đổi niềm tin? Hãy để cho trí não liên kết những khổ sở cùng cực với niềm tin cũ, sau đó bạn phải liên kết sự hoan hỹ vô bờ với ý tưởng nuôi dưỡng một niềm tin mới; hoặc bạn hãy tạo sự ngờ vực, nghi vấn sau khi những trải nghiệm mới khiến chúng ta công kích vào khuôn mẫu của niềm tin cũ. Sau đó củng cố niềm tin mới bằng những tham chiếu vững chắc hơn. Rồi tìm một sự kiện “bùng nổ” có sức kích hoạt mạnh, tạo ra cảm xúc mạnh (như tự hỏi: Tôi sẽ mất gì nếu không làm vậy?) cuối cùng là hành động.

Chương 5: Sự thay đổi có thể diễn ra ngay lập tức hay không?

Bạn hãy nhớ rằng, trí óc luôn hào hứng chờ đợi từng mệnh lệnh, sẵn sàng thực hiện bất kỳ việc gì bạn yêu cầu. Hệ thống phức tạp này không chỉ cho phép chúng ta tận hưởng cái hay cái đẹp của thế giới mà còn giúp chúng ta tồn tại. Cứ mỗi khoảng khắc trải nghiệm sự đau đớn hay hân hoan đầy ý nghĩa, não bộ sẽ tìm kiếm nguồn cơn sinh ra những trải nghiệm ấy và lưu giữ chúng trong hệ thần kinh để giúp ta đưa ra những quyết định tốt hơn trong tương lai.

Các nhà khoa học đã chứng minh rằng khi càng thể hiện nhiều lần một kiểu mẫu hành vi bất kỳ, mẫu hành vi đó càng trở nên mạnh mẽ.

Nếu bạn dừng một hành vi hay một cảm xúc nào đủ lâu, làm gián đoạn nó một thời gian đủ dài, thì nó sẽ không còn chi phối mạnh nữa.

Cho nên, mỗi khi thay đổi, ta nên củng cố nó ngay lập tức. Thường xuyên luyện tập để hệ thần kinh không chỉ quen với lần thay đổi này mà sẽ duy trì sự thay đổi mãi mãi như một phản xạ có điều kiện.

Bạn phải sẵn sàng thay đổi và trở thành chuyên gia cố vấn cho chính mình, làm chủ cuộc sống. Phải xác định cụ thể điều gì đó “phải” thay đổi. Chính “tôi” phải thay đổi và tôi có thể thay đổi được “mọi thứ”.

Chương 6: Những bước chủ đạo sự thay đổi theo phương pháp điều phối liên hợp thần kinh.

Nếu muốn thay đổi hành vi của mình, chỉ có một cách hữu hiện là ta phải liên hệ những cảm xúc đau khổ với hành vi cũ và liên hệ những cảm xúc vui vẻ với hành vi mới.

Sáu bước chủ đạo NAC (Neuro – Associative Conditioning: điều phối liên hợp thần kinh) sau đây sẽ hướng dẫn bạn cách thức tạo dựng một “con đường cao tốc” trực tiếp đưa bạn thoát khỏi đau khổ để hướng đến niềm vui, sự thoải mái.

  • Bước chủ đạo thứ 1: Xác định điều bạn thật sự mong muốn và những gì đang gây cản trở.
  • Bước chủ đạo thứ 2: Vận dụng sức mạnh “đòn bẩy”_ Liên kết nỗi đau tột độ với việc không thay đổi và liên kết niềm vui sướng tột độ với việc thay đổi ngay.
  • Bước chủ đạo thứ 3: Phá vỡ mô thức cũ.
  • Bước chủ đạo thứ 4: Tạo ra giải pháp thay thế mới thúc đẩy bản thân.
  • Bước chủ đạo thứ 5: Khắc ghi sâu sắc mô thức mới bằng cách lập đi lập lại mô thức mới.
  • Bước chủ đạo thứ 6: Kiểm tra tính hiệu quả của sự thay đổi.
    1. Khi nghĩ đến hành vi và cảm xúc cũ của mình, bạn cảm thấy đau khổ hay vui sướng?
    2. Nghĩ đến hành vi hoặc cảm xúc mới bạn cảm thấy vui sướng hay đau khổ?
    3. Hành vi hoặc cảm xúc mới có nhất quán với các giá trị và qui tắc sống của bạn không?
    4. Hành vi hoặc cảm xúc mới có cho phép bạn duy trì những lợi ích và cảm giác vui sướng mà bạn từng có nhờ vào mô thức cũ không?
    5. Hình dung điều làm khơi dậy mô thức cũ, những vẫn có cảm giác chắc chắn rằng bạn có thể sử dụng mô thức mới thay vì mô thức cũ trong trường hợp đó.
Chương 7: Làm thế nào để đạt được điều bạn thật sự mong muốn

Những người ở đỉnh cao thành công, dù sống một cuộc sống sung túc về nhiều mặt nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc đang lẩn tránh họ. Là vì họ không biết họ muốn gì trong cuộc đời này, họ không biết điều gì có thể giúp họ vui vẻ hơn, họ để nỗi đau và niềm vui từ ngoại cảnh kiểm soát chính mình, thay vì họ phải kiểm soát chúng.

Vậy bạn mong muốn điều gì, bạn cũng nên đặt câu hỏi cho chính mình: “Vì sao tôi muốn những thứ này?” Có phải điều bạn thật sự mong muốn đơn giản chỉ là phương tiện để đạt được những cảm xúc, cảm giác hay trang thái mà bạn mong muốn.

Khi nắm bắt được bí mật khơi dậy trạng thái cảm xúc tích cực, ta có thể làm nên những điều kỳ diệu. Mỗi cảm xúc đều gắn liền với một số hoạt động sinh lý như: tư thế, điệu bộ, nhịp hít thở, biểu lộ trên nét mặt… Cho nên, ta có thể “vận động tạo ra cảm xúc”, tức thay đổi hoạt động sinh lý thì sẽ thay đổi cách chúng ta cảm nhận về tình huống, và từ đó ảnh hưởng đến cách đánh giá về cuộc đời.

Thông thường, cảm nhận về mọi thứ phụ thuộc vào trọng tâm chú ý của bạn, mà trọng tâm chú ý không hoàn toàn là thực tại bởi nó chỉ là góc nhìn phiến diện, một quan niệm về sự vật đang hiện hữu. Cách hiệu quả nhất để kiểm soát trọng tâm chú ý là sử dụng câu hỏi: Ví dụ, bạn bắt đầu một cuộc họp kinh doanh, nhưng ai đó vắng mặt. Vì sao anh ta vắng mặt? Cảm xúc của bạn sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào điều bạn đang tập trung vào: bạn hình dung người vắng mặt vì họ thiếu quan tâm, bạn nổi đóa, chất lượng cuộc họp sẽ bị hạn chế. Nhưng nếu, bạn nghĩ có thể người đó đến trễ là vì anh ta đang thương lượng một thương vụ nào đó, bạn vui vẻ và cuộc họp sẽ có kết quả tốt hơn.

Vậy tất cả những gì ta thật sự mong muốn trong cuộc đời này là thay đổi cảm nhận của chính mình. Mọi cảm xúc chỉ là những phản ứng sinh hóa trong não bộ và ta có thể kiểm soát chúng mọi lúc. Hạnh phúc hay đau khổ, điều này hoàn toàn tùy thuộc vào bạn.

Chương 8: Câu hỏi cũng chính là câu trả lời

Đặt câu hỏi là cách căn bản nhất để khám phá, học hỏi. Những câu hỏi chất lượng tạo ra một cuộc sống chất lượng. Đặt câu hỏi chất vấn về những giới hạn là cách để giật sập những rào cản trong cuộc sống.

Chỉ với một ký rưởi chất xám, não bộ có thể giúp bạn đưa ra các phương án giải quyết vấn đề khó khăn và tạo nên cảm xúc mạnh mẽ hơn bất cứ kỹ thuật nào trong khả năng công nghệ của loài người. Để khai thác mọi thứ trong “ngân hàng dữ liệu” của mình, bạn phải biết đặt câu hỏi.

Câu hỏi hiệu quả phải đảm bảo hội đủ ba điều kiện sau:

  1. Câu hỏi có thể ngay tức thời thay đổi hướng tập trung của ta, và theo đó thay đổi cách ta cảm nhận.
  2. Câu hỏi có thể thay đổi cả những gì chúng ta không ý thức.
  3. Câu hỏi giúp mở ra những nguồn lực hữu ích cho chúng ta.
Ví dụ câu hỏi: “Tại sao không ai ưa tôi cả?” sẽ làm cho bạn tập trung tìm kiếm những luận điểm chứng minh cho tình trạng trên. Nhưng nếu bạn tự hỏi “Làm thế nào để tôi có thể được mọi người yêu quí?” sẽ giúp bạn tập trung vào phương pháp giải quyết và trạng thái cảm xúc của bạn lập tức cũng chuyển đổi theo. Hoặc: “Tôi là ai, tôi có năng lực gì, và tôi sẵn sàng làm gì để đạt được ước mơ?” sẽ giúp bạn định hình nhận thức và mở ra những nguồn lực.

Bạn hãy đặt câu hỏi, rồi bạn sẽ có được câu trả lời. Câu hỏi được đặt ra cho bản thân sẽ dẫn đến quyết định hành động trong tích tắc, có tác động lớn đến số phận của bạn.

Chương 9: Ngôn từ tạo nên thành công tột bậc

Cách lựa chọn ngôn từ hiệu quả để miêu tả trải nghiệm sống có thể làm tăng những cảm xúc lành mạnh, tích cực. Ngược lại, việc lựa chọn ngôn từ sai lầm sẽ gây tổn hại bản thân. Những “chiếc nhẫn” ngôi từ mà ta gán vào trải nghiệm hiện tại sẽ làm cho trải nghiệm đó gia giảm cường độ, rồi trở nên giống y như tên gọi! Ngôn từ cũng có thể chuyển đổi tâm trạng. Hiểu được sức mạnh của ngôn từ, bạn sẽ trở nên tinh nhạy với từ ngữ mà bạn và những người chung quanh thường dùng.

Các nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý – thần kinh – miễn dịch học cho rằng ngôn từ chúng ta sử dụng sẽ tạo ra các hiệu ứng sinh hóa mạnh mẽ.

Trong buổi họp ban lãnh đạo 3 người, nhận được thông tin không hay về đối tác “chơi không đẹp”; vị CEO “giận điên” lên rồi đỏ mặt tía tai; tôi thì giận dữ, “bực mình” trong lúc cộng sự của tôi “bình tĩnh”, điềm đạm, anh ta bảo “Nếu anh giận dữ, anh sẽ không kiểm soát được bản thân, thì người khác sẽ chiến thắng”. Tôi ngẫm nghĩ, cách sử dụng ngôn ngữ của bạn tôi có tác dụng giảm cường độ cảm xúc, từ đó có thể chủ động giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.

Chương 10: Sức mạnh của những ẩn dụ

Mỗi khi chúng ta giải thích hay truyền đạt một khái niệm bằng cách ví von nó với một cái gì đó khác, chúng ta đang sử dụng ẩn dụ. Ẩn dụ là những biểu tượng khơi gợi cảm xúc nhanh hơn và trọn vẹn hơn so với những ngôn từ ta thường dùng.

Ẩn dụ có thể mở rộng và làm giàu kinh nghiệm sống cho ta. Nhưng nếu không biết chọn lọc hình ảnh ẩn dụ cho cẩn thận, chúng ta có thể ngay lập tức chấp nhận những niềm tin giới hạn đi cùng với nó.

Mỗi người có những ẩn dụ khác nhau. Có người cho rằng cuộc đời như là một “cuộc sát hạch”; người khác lại cho cuộc đời là “cuộc đua tranh”. Nếu bạn tin cuộc đời này là thiêng liêng thì sẽ thế nào? Bạn cho rằng cuộc đời này trải đầy hoa hồng hay đầy rẩy những cạm bẫy?

Nếu muốn làm phong phú thêm cuộc sống của mình, chúng ta cần mở rộng “kho ẩn dụ” dùng để mô tả về cuộc đời, bản thân hoặc các mối quan hệ. Hãy nhớ, những ẩn dụ ta sử dụng sẽ quyết định hành động của ta. Hãy kiểm soát ẩn dụ của bạn ngay từ bây giờ và tạo ra thế giới mới cho chính mình – một thế giới dồi dào mọi nguồn lực, trải đầy những điều kỳ diệu và niềm hân hoan.

Chương 11: Mười tín hiệu hành động

Nhiều người nhận thức sai lầm rằng ta không có khả năng điều khiển cảm xúc, cảm xúc hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát. Nhưng thật sự, chính ta đã tạo ra cảm xúc. Bạn không thể chạy trốn cảm xúc, không thể lờ đi, không thể coi thường hoặc lừa dối bản thân về ý nghĩa của chúng. Ta phải rút ra bài học từ cảm xúc để làm giàu chất lượng cuộc sống, kể cả những cảm xúc gọi là tiêu cực ta cũng xem chúng là những “tín hiệu” hành động.

Để làm chủ cảm xúc bạn hãy xác định rõ bạn đang thật sự cảm thấy thế nào, hãy thừa nhận và trân trọng cảm xúc của bạn, tìm hiểu “thông điệp” mà cảm xúc muốn gởi đến bạn, hãy tự tin và củng cố cảm xúc chắc chắn rằng bạn có thể xử lý cảm xúc này không chỉ trong hiện tại mà cả trong tương lai nữa và hãy phấn khích hành động.

Ví dụ, nếu bạn cảm thấy cô đơn, nhưng thực tế bạn có rất nhiều bạn bè, cảm giác cô đơn này muốn nhắn gởi đến bạn “thông điệp” rằng bạn phải hành động, phải giao tiếp và gặp gỡ mọi người nhiều hơn.

Mười tín hiệu hành động

  1. Khó chịu,
  2. Sợ hãi,
  3. Tổn thương,
  4. Giận dữ,
  5. Thất vọng,
  6. Hụt hẫng,
  7. Mặc cảm tội lỗi,
  8. Bất tài vô dụng,
  9. Quá tải,
  10. Cô đơn.
Song song với 10 cảm xúc hành động, chúng ta có mười cảm xúc quyền năng để chuyển hóa, làm tan hoặc biến đổi 10 cảm xúc hành động gồm:

  1. Yêu thương,
  2. Cảm kích biết ơn
  3. Tò mò học hỏi
  4. Phấn khích, đam mê
  5. Quyết tâm
  6. Linh hoạt
  7. Tự tin
  8. Vui vẻ
  9. Khỏe khoắn
  10. Đóng góp
Chương 12: Đam mê vĩ đại – Nền tảng cho một tương lai tương sáng

Nhiều người biết họ nên làm gì nhưng chẳng bao giờ thực hiện, vì họ thiếu động lực, thiếu đam mê. Để khám phá khả năng vô hạn của mình, chúng ta phải tìm ra một mục tiêu đủ lớn để thách thức bản thân, vượt qua những giới hạn và khơi dậy tiềm năng. Để biết mình có lập mục tiêu đúng hay không, hãy lắng nghe cảm giác, cảm giác hào hứng, phát cuồng khi nghĩ về khả năng đạt được nó. Mục tiêu chính là bản kế hoạch tổng thể dẫn dắt định hướng cho mọi suy nghĩ. Sauk hi có mục tiêu, ta cần phát triển các kế hoạch cụ thể và phát triển bản thân, về sự nghiệp kinh doanh, tài chính về giải trí, phiêu lưu mạo hiểm, về sự cống hiến.

Trên thực tế, đôi khi việc không đạt được mục tiêu còn đưa bạn đến gần mục đích sống của đời mình hơn. Hãy tạo sự căng thẳng lành mạnh (eustress) để thúc đẩy bạn tích cực tiến lên phía trước. Nhiều người thường bỏ qua niềm vui, niềm hạnh phúc trên hành trình cuộc đời. Sự thật là nếu ta chọn lựa sống hạnh phúc ngay từng giây, từng phút ta sẽ đạt được nhiều điều hơn nữa.

Hãy để cho những ước mơ tiếp theo kéo bạn về phía trước, và không ngừng hoàn thiện. Một tương lai tươi sáng là dưỡng chất cần thiết nuôi lớn tâm hồn chúng ta. 

Chương 13: 10 ngày thử thách tâm trí

Đặc điểm nổi bật của nhà vô địch là tính vững chắc được tạo nên bởi những thói quen. Để trải nghiệm một cấp độ thành công mới về phương diện phát triển bản thân cũng như trong chuyên môn hay sự nghiệp, ta luôn cần có một cấp độ tư duy mới.

Nếu bạn quyết định chấp nhận 10 ngày thử thách tâm trí, nghĩa là bạn vừa cam kết giữ bản thân trong trạng thái rất tích cực, mặc cho chuyện gì xảy ra. Bạn nhớ rằng bạn có vô số chiến lược để thay đổi tâm trạng.

Qui tắc 1: Trong 10 n gày liên tiếp, từ chối chú tâm vào bất kỳ cảm xúc hay suy nghĩ vô ích nào.

Qui tắc 2: Nếu bạn thấy mình bắt đầu tập trung vào điều tiêu cực, hãy sử dụng kỹ thuật để hướng tập trung vào trạng thái tập trung tốt hơn.

Qui tắc 3: Đảm bảo hoàn toàn tập trung vào giải pháp chứ không phải vào vấn đề.

Qui tắc 4: Nếu sa vào một cảm xúc hay suy nghĩ vô ích nào, đừng tự hành hạ bản thân, bạn phải chờ cho đến hôm sau để bắt đầu lại 10 ngày thử thách.

Trong 10 ngày thức thách, bạn đặt ra những câu hỏi mới, sử dụng ngôn từ chuyển đổi tâm trạng, ẩn dụ để thúc đẩy bản thân thay đổi tâm trạng cũng như cách vận động thể chất.

Bạn đừng để sự lười biếng, sợ hãi, sức mạnh của thói quen chi phối.

10 ngày thử thách tâm trí sẽ tạo ra những thói quen mới, chuẩn mực mới và những kỳ vọng mới, bạn tự tin có thể thay đổi cuộc đời mình.

Bài tập này sẽ không kết thúc sau 10 này, đây thực sự là một cơ hội cho bạn “nghiện” tập trung theo hướng tích cực trong suốt cuộc đời còn lại.

PHẦN 2 – LÀM CHỦ HỆ THỐNG ĐIỀU KHIỂN

Chương 14: Hệ thống điều khiển – Các yếu tố ảnh hưởng đến việc đánh giá

Hành vi con người rất đa dạng, nhưng tất cả đều quy thành một số mô thức nhất định bao hàm một vài yếu tố chính yếu.

Bí quyết để thấu hiểu con người là thấu hiểu “hệ thống điều khiển” tức hiểu điều gì đang kiểm soát tất cả mỗi chúng ta. Bạn có thể đánh giá mọi thứ trong cuộc sống theo cách dẫn dắt bạn đưa ra những quyết định mang đến kết quả mong muốn.

Năm yếu tố tác động đến việc đánh giá:

  1. Trạng thái cảm xúc và tinh thần phải thoải mái tích cực.
  2. Đặt câu hỏi là thể dạng đầu tiên của quá trình đánh giá.
  3. Thang giá trị: Trạng thái hạnh phúc mà ta luôn cố gắng hướng đến hay trạng thái đau khổ mà ta luôn cố gắng tránh khỏi.
  4. Niềm tin phổ quát: Qui tắc phù hợp với các giá trị của mình cũng là một hình thái của niềm tin.
  5. Những trải nghiệm tham chiếu: Những tham chiếu mà bạn chọn sẽ quyết định ý nghĩa, cách cảm nhận và hành động của bạn.
Khi thay đổi hệ thống điều khiển ta cũng có thể thay đổi cách mình tương tác trong nhiều tình huống khác nhau.

Chương 15: Những giá trị sống – La bàn định hướng cuộc đời

Các giá trị chỉ dẫn từng quyết định của chúng ta, và do vậy cũng viết nên số phận cuộc đời ta, và do vậy cũng viết nên số phận cuộc đời ta. Nếu muốn tận hưởng cuộc sống trọn vẹn nhất, chúng ta có thể đạt được nó bằng cách đưa ra quyết định dựa trên những gì chúng ta xem là giá trị nhất, và sau đó cam kết sống với chúng mỗi ngày.

Phải nhớ rằng tất cả những quyết định được đưa ra đều bắt nguồn từ việc nhận biết rõ các giá trị, điều gì đó bạn yêu chuộng và nhận ra tầm quan trọng của nó đối với bạn gọi là giá trị. Nhưng cần phải phân biệt giá trị cuối cùng và giá trị phương tiện, hầu hết mọi người không nhận ra sự khác nhau này nên phải nếm trải nhiều nỗi đau.

Khi bạn có “những thứ mình muốn” chưa chắc đã làm bạn hài lòng. Chỉ khi nào sống và làm theo điều bạn tin tưởng là “đúng đắn” bạn mới có được sức mạnh nội tại. Vì khi sống với những giá trị, bạn sẽ cảm thấy vững tin, bình yên, hoàn toàn thoải mái.

Điều chắc chắn là khi ta sống với những chuẩn mực, ta sẽ trải nghiệm những niềm vui bất tận. Không cần “vay mượn” những yếu tố kích thích thiếu lành mạnh khác. Chỉ những giá trị cuối cùng mới làm phong phú thêm cuộc sống của mỗi chúng ta.

Bạn hãy động não tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: “Điều gì quan trọng nhất đối với tôi trong cuộc sống?” Sắp xếp các giá trị thứ tự từ quan trọng nhất đến ít quan trọng nhất. Bất cứ những giá trị của bạn là gì, chúng đều ảnh hưởng đến hướng đi cuộc đời bạn.

Chương 16: Những qui tắc cho một cuộc sống hạnh phúc

Quy tắc là “phím tắc” của não bộ, chúng giúp ta nhận biết rõ hệ quả của những hành động ta thực hiện, nhờ đó ta có thể nhanh chóng xác định ý nghĩa của sự việc và những điều ta nên làm.

Nếu mỗi người đặt cho mình những quy tắc quá khắc khe, họ sẽ sớm nhận ra rằng dù có làm tốt thế nào họ cũng không thể chiến thắng. Hãy để cho những quy tắc thúc đẩy bạn chứ đừng kìm hãm bạn. Muốn thế, bạn cần căn cứ vào đặc điểm sau: Quy tắc kìm hãm là những quy tắc phức tạp không thể đáp ứng. Quy tắc kìm hãm khi nó bắt buộc người khác, môi trường thỏa mãn nhu cầu của bạn. Nó chỉ gợi mở vài cách để bạn cảm thấy vui vẻ nhưng có rất nhiều cách để bạn cảm thấy tê tái.

Nếu bạn muốn kiểm soát đời mình và muốn mọi chuyện thuận lợi, bạn phải khám phá ra quy tắc của người khác đồng thời truyền đạt các quy tắc của bạn cho họ.

Giống như các giá trị, chúng ta cũng có hệ thống thứ bậc những quy tắc, đó là quy tắc “phải làm”, “không bao giờ được làm” là quy tắc ngưỡng giới hạn. Còn các quy tắc “nên” và “không nên” là những tiêu chuẩn cá nhân. Đề ra các quy tắc sao cho mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát của bạn, để ngoại cảnh không phải là yếu tố quyết định bạn vui hay buồn.

Chương 17: Những trải nghiệm tham chiếu – Sợi chỉ dệt nên cuộc đời

Nếu muốn hiểu vì sao người ta hành động như vậy thì hãy nghiên cứu những trải nghiệm tham chiếu quan trọng ảnh hưởng lớn trong cuộc đời của họ.

Vậy, tham chiếu là gì? Đó là những kinh nghiệm, trải nghiệm trong cuộc sống mà bạn “khắc ghi” vào hệ thần kinh của mình một cách hứu thức hay vô thức từ trải nghiệm của chính bạn hay tiếp nhận từ người khác.

Những hình ảnh tưởng tượng trong đầu – những điều chưa bao giờ xảy ra – cũng là một nguồn tham chiếu tuyệt vời. Đọc sách, xem phim, nghe nhạc, tham dự các buổi hội thảo, giao lưu… sẽ mở ra cho bạn nhiều ý tưởng mới. Đọc tiểu sử của những người thành công, lấy trải nghiệm, xây dựng niềm tin, có thể thực sự định hình nên số phận của cuộc đời mình. Sử dụng các tham chiếu tương phản cũng là một trong những cách hiệu quả nhất để thay đổi nhận thức và cảm nhận của chúng ta. Vậy, muốn nâng cao chất lượng sống cho mình, bạn phải chủ động mở rộng nguồn tham chiếu.

Chương 18: Nhân dạng bản thân – Bí quyết để phát triển

“Nhân dạng bản thân” là gì? Đó là những niềm tin mà ta dùng để xác định những nét riêng của ta, khác với người khác. Ta là ai.

Nếu không biết mình là ai, làm sao ta có thể quyết định nên làm gì. Có thể có nhiều lần bạn cố gắng tạo ra sự thay đổi đặc biệt trong cuộc sống của mình, nhưng đó chỉ là những thay đổi về cảm xúc, hành vi, chứ chưa đả động gì đến niềm tin Tôi là ai?

Với cảm giác thư thái, an toàn, khám phá, bạn hít thở thật sâu, giữ cho đầu óc thoải mái, không băn khoăn, không tìm kiếm sự hoàn hảo, bạn đặt câu hỏi: “Tôi là ai?”. Hãy viết xuống dưới câu trả lời, tiếp tục hỏi rồi đào sâu, sâu hơn nữa, cho đến lúc bạn tìm được lời mô tả có sức thuyết phục mạnh mẽ nhất.

Chúng ta có thể xác định lại bản thân, hay đơn giản là quyết định để cho “con người thật bên trong” chúng ta tỏa sáng. Bạn có thể chọn ai đó có những tính cách mà bạn khao khát, có thể làm hình mẫu, hãy tưởng tượng bạn đang hòa nhập vào nhân dạng mới này. Hãy mô tả những chi tiết về con người mà bạn quyết định sẻ trở thành, xây dựng kế hoạch hành động, cam kết sống với nhân dạng mới bằng cách truyền đạt thông tin này với tất cả mọi nguồi chung quanh và với chính bản thân mình.

Khi quyết định nghĩ, cảm nhận và hành động theo mẫu người mà bạn muốn trở thành, bạn sẽ trở thành người đó, chứ không phải hành xử “giống” họ. Bây giờ bạn đang tiến đến một bước ngoặt. Đây là cơ hội cực kỳ quan trọng. Quên đi quá khứ, đừng nghĩ về con người trước kia. Bây giờ bạn là ai? Bạn quyết định trở thành ai?

PHẦN 3 – 7 NGÀY ĐỊNH HƯỚNG CHO CUỘC ĐỜI

Chương 19: Làm chủ cảm xúc

Ngày thứ 1

Mục tiêu: Kiểm soát trạng thái cảm xúc và chủ động định hình lại những trải nghiệm sống hằng ngày.

Hãy viết ra tất cả những cảm xúc của bạn đã trải qua trong một tuần bình thường nào đó. Liệt kê những sự kiện hay tình huống bạn đã dùng để kích hoạt những cảm xúc này. Với những kỹ năng thay đổi cảm xúc mà bạn đã biết, hãy đưa ra “phương thuốc” hóa giải cho mỗi cảm xúc tiêu cực. Đảm bảo liên tục tập trung vào giải pháp thay vì là vấn đề.

Chương 20: Rèn luyện thể chất

Ngày thứ 2

Mục tiêu; “Lập trình” cho sự trao đổi chất tạo ra năng lượng và tập luyện cơ bắp đạt được sự dẻo dai như ý muốn.

Dẻo dai là “khả năng thực hiện những hoạt động thể chất”, còn sức khỏe là “trạng thái mà tất cả các hệ thống của cơ thể đang hoạt động một cách tối ưu”. Thật lý tưởng khi có cả sức khỏe và sự dẻo dai.

Bài thể dục hiếu khí là những bài tập tăng lượng ôxy hấp thụ vào cơ thể, cường độ và biên độ nhỏ (chỉ 60 – 70% sức), nhưng tần số lớn (nhiều lần) với thời gian tập luyện dài. Những bài tập này rèn luyện sức bền, cải thiện chức năng tim, phổi, mạch máu và cơ bắp, mỡ sẽ được đốt như nguồn nhiên liệu chính tạo ra năng lượng.

Bài tập kỵ khí (không có ôxy), là những bài tập tạo ra sức mạnh bùng nổ trong thời gian ngắn, tiêu hao glycogen – một loại hydrat cacbon – như nguồn nhiên liệu chính khiến cơ thể tích tụ mỡ.

Sức khỏe và dẻo dai đều là mục tiêu của chúng ta. Do vậy, khi bắt đầu phát triển năng lực hiếu khí, một khi đã đạt đến trangj thái ổn định, bạn có thể nâng cao sức mạnh bằng cách thêm vào chế độ tập kỵ khí!

Biến việc tập thể dục trở thành một phần nhân dạng bản thân. Thông qua cam kết luyện tập lâu dài, chúng ta có thể thu về những thành quả mà cuộc sống ban tặng.

Chương 21: Tạo dựng và duy trì mối quan hệ

Ngày thứ 3

Mục tiêu: Nâng chất lượng các mối quan hệ, và làm sâu sắc hơn mối quan hệ tình cảm với những người mà ta quan tâm nhất thông qua sáu nền tảng xây dựng mối quan hệ thành công:

  • Hiểu được nguyên tắc của người kia bạn có thể ngăn chặn trước những rắc rối.
  • Để mối quan hệ bền vững, bạn hãy nhìn nhận mối quan hệ là nơi để trao đi chứ không phải là nơi để nhận về.
  • Lưu ý đến những dấu hiệu cảnh báo những vấn đề phát sinh trong mối quan hệ để tìm cách giải quyết trước khi chúng vuột khỏi tầm tay.
  • Xem mối quan hệ là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống.
  • Làm cho mối quan hệ tốt lên hơn mỗi ngày.
  • Mỗi ngày bạn hãy liên tưởng đến những điều bạn yêu thích ở người đang có mối quan hệ với bạn.
Chương 22: Quản lý tài chính

Ngày thứ 4

Mục tiêu: Làm chủ “vận mệnh” tài chính trong tương lai thông qua 5 yếu tố cơ bản để gầy dựng của cải.

Việc kiếm được nhiều tiền hơn không có nghĩa là con người sẽ được tự do hơn, vì phải đánh đổi cả tuổi trẻ, để rồi quá già yếu để tận hưởng các thành quả đạt được. Vậy cố gắng kiếm tiền để làm gì?

Ngày nay, công nghệ quyết định giá trị, nên việc chiếm lĩnh các nguồn tài nguyên khan hiếm không còn là nhân tố quyết định chính yếu cho sự thịnh vượng. Những cá nhân kiệt xuất như Bill Gates, Steve Jobs… đều biết khai thác những giá trị tiềm ẩn – ý tưởng, thông tin – để tạo ra “đế chế” kinh tế khổng lồ.

Những bài học tạo ra của cải vững bền:

  1. Tạo ra của cải: Bạn cần tư duy một cách sáng tạo để tăng thu nhập, nên điều bạn cần làm ngay là mở mang kiến thức, trau dồi kỹ năng. Việc tự học rất quan trọng. Bạn không nhất thiết phải là một doanh nhân để có thể đóng góp nhiều giá trị.
  2. Bảo toàn của cải: Chỉ có một cách bảo toàn của cải là tiêu xài ít hơn thu nhập kiếm được, dành khoản trội ra để đầu tư. Vạch một kế hoạch để kiểm soát chi tiêu của mình.
  3. Gia tăng của cải: Các khoản đầu tư sẽ tiếp tục gia tăng và nhân lên cho đến khi bạn có một nền tẳng kinh tế vững chắc.
  4. Bảo vệ của cải: Bảo vệ tài sản không phải là cố tránh các khoản vay nợ chính đáng, mà ta bảo vệ bản thân khỏi những cuộc “tấn công” – kiện tụng nhỏ mọn.
  5. Hưởng thụ thành quả: Tiền không phải là mục đích cuối cùng, nó chỉ là phương tiện mà thôi. Chúng ta nên chia sẻ tác động tích cực của nó với những người chúng ta quan tâm. Nếu không, tiền chẳng có giá trị gì hết. Chia sẻ là một trong những niềm vui lớn nhất của cuộc sống. Hãy thưởng cho bản thân trong suốt quá trình tích lũy.
Chương 23: Tạo lập quy tắc ứng xử

Ngày thứ 5

Mục tiêu: Thường xuyên sống với những giá trị đã cam kết.

Bạn hãy quyết định sẽ điều khiển bản thân bằng cách đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn, vạch ra một chiến lược để đạt những tiêu chuẩn đó. Nếu thật sự làm theo quy tắc ứng xử ấy, hãy hình dung bạn sẽ cảm thấy khác thường như thế nào! Bạn sẽ không còn bị điều khiển bởi những sự việc xung quanh nữa. Cho dù, chuyện gì xảy ra, bạn sẽ duy trì được khôn ngoan và sống với tầm nhìn đã tạo ra.

Chương 24: Làm chủ thời gian, làm chủ cuộc đời

Ngày thứ 6

Mục tiêu: Học cách sử dụng thời gian vì lợi ích của bạn, thay vì để thời gian điều khiển sự thỏa mãn sự căng thẳng của bạn.

Chúng ta căng thẳng thường là do chúng ta không thấy đủ thời gian để làm những việc mình muốn đúng theo chất lượng cam kết, khiến cho hiệu quả làm việc nhanh chóng suy giảm.

Chúng ta quên rằng thời gian mang tính tương đối, trải nghiệm về thời gian chỉ là kết quả của việc tập trung tinh thần. Niềm tin cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến nhận thức về thời gian. Cho nên, việc làm chủ thời gian cũng là một kỹ năng sống.

Cách duy nhất để thật sự quản lý được thời gian là hãy xây dựng lịch làm việc mỗi ngày, dành phần lớn thời gian thực hiện những việc quan trọng nhiều hơn.

Thủ thuật để tiết kiệm thời gian là hãy “bóp méo” thời gian, tức khả năng kéo dài một phút bằng một giờ hay làm một giờ dài bằng một phút.

Tập trung vào việc quản lý hơn là những việc cần quan tâm chú ý ngay tức khắc. Biết cách đốt giai đoạn bằng cách áp dụng những kinh nghiệm của người khác, chứ không phải chỉ dựa trên phương pháp thử sai.

Chương 25: Nghỉ ngơi và vui chơi

Ngày thứ 7

Mục tiêu: Đạt được sự cân bằng.

Lao động cật lực và vui chơi hết mình. Hãy dành thời gian để vui chơi thỏa thích. Cứ ngẫu hứng làm điều gì đó thật khác biệt so với thường ngày. Đừng bao giờ đánh mất tâm hồn thơ trẻ.

PHẦN 4 – BÀI HỌC ĐỊNH MỆNH

Chương 26: Thử thách tối thượng

Nhiều người cảm thấy mình nhỏ bé, bất lực trước những vấn đề xã hội hay biến cố của thế giới, họ nghĩ dù họ luôn làm nhiều việc tốt đẹp trong cuộc sống thì sự thịnh vượng của họ vẫn phải chịu phó mặc cho hành động của người khác. Vậy, sống chuẩn mực thì có lợi ích gì chứ?

Ta phải nhận thức rằng, cội nguồn phát sinh mọi vấn đề chính là hành vi, và có một số thứ mà ta có toàn quyền điều khiển đó là thế giới nội tâm, nó quyết định ý nghĩa của mọi thứ và cách hành động. Qua hành động, những giá trị và niềm tin của mình được lan tỏa. Vậy một người thật sự có thể làm được gì để tạo ra sự khác biệt cho thế giới? Hầu như mọi thứ.

Mỗi người đều có sẵn tiềm năng bẩm sinh để trở thành anh hùng. Anh hùng không phải là mẫu người “hoàn hảo” vì chẳng có ai hoàn hảo cả. Lòng nhân đạo, chứ không phải là sự hoàn hảo, mới chính là biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng.

Trong sâu thẳm, mỗi người chúng ta đều muốn làm những gì mình tin là đúng đắn, không gì khiến ta cảm thấy mãn nguyện bằng sự cống hiến. Cho đi mà không mong cầu được nhận lại chính là nền tảng của cảm giác đầy đủ, trọn vẹn. Hãy khởi đầu con đường trở thành anh hùng của mình từ đấy.

Bộ sách bạn nên nghe

Cùng chủ đề cuốn sách đang nghe